0901755866

Cách phạt con mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Không vị phụ huynh nào muốn phạt đứa con, đứa em thân thương của mình. Tuy nhiên, điều này đôi khi sẽ rất cần thiết để giúp bé hiểu được điều gì nên làm, điều gì không nên làm và qua đó hoàn thiện bản thân. Bên cạnh đó, nhiều người lớn có thể không kiểm soát được hành vi của mình và khiến cho trẻ bị tổn thương. Vậy, cách phạt con mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ như thế nào?

Cách phạt con mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Cách phạt con mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

  1. Trẻ không đáng bị phạt nếu không có ý định xấu

Ở độ tuổi còn quá nhỏ, trẻ chưa phân biệt được đúng và sai. Chúng cũng không cố ý làm hại ai mà chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu, khám phá mọi thứ. Ngay cả luật pháp của các quốc gia cũng sẽ không trừng phạt những hành vi sai trái của một đứa bé không hiểu biết gì dù hậu quả của chúng nặng nề đến đâu. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ, thông cảm và cho con biết làm như vậy là không đúng đồng thời dạy bé cách khắc phục hậu quả. Việc áp dụng hình phạt trong trường hợp con không biết gì sẽ khiến chúng sợ hãi việc khám phá, tìm hiểu và từ đó trở thành một người thiếu quyết đoán.

  1. Không nên đưa cảm xúc vào việc phạt con

Một số cha mẹ thường đưa cảm xúc tức thời vào việc phạt con. Từ sự thất vọng, tức giận khi con không vâng lời cho đến việc giải tỏa áp lực công việc,….Điều này sẽ khiến cho bé gặp phải rất nhiều vấn đề trong tương lai, đặc biệt là thói quen phục thuộc vào những người có địa vị cao.

  1. Không bao giờ thực hiện hình phạt ở nơi công cộng

Việc phạt bé ở nơi công cộng sẽ có ảnh hưởng khủng khiếp, khiến lòng tự trọng của bé bị tổn thương sâu sắc. Chúng sẽ cảm thấy cực kỳ nhục nhã và không bao giờ muốn cho tình huống này lặp lại một lần nữa. Và đến khi trưởng thành, chúng sẽ có thể trở thành những người “ba phải”, không có khả năng tự đưa ra quyết định.

  1. Thực hiện hình phạt đúng với lời nói

Nếu đã tuyên bố phạt con, bạn sẽ cần phải thực hiện ngay. Bởi nếu nói mà không làm, trẻ sẽ nhận ra bạn chỉ “dọa suông” và từ đó không còn e ngại gì mỗi khi bạn tiến hành dọa nạt hay ra mệnh lệnh.

  1. Khi không biết rõ lỗi thuộc về ai, hãy phạt tất cả

Nếu trẻ gây ra lỗi cùng với  bạn bè, bạn không nên chỉ trích những đứa trẻ khác. Nhưng nếu trẻ gây ra lỗi với anh, chị, em và bạn không biết ai là người gây ra thực sự, hãy trách phạt toàn bộ. Việc chỉ trách phạt một trong số chúng sẽ khiến cho những đứa bé còn lại hiểu rằng mình có thể trốn tội, từ đó học được thói quen “đổ thừa”, nói dối trong tương lai.

  1. Chỉ trừng phạt tội lỗi của trẻ ở thời điểm hiện tại

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất bạn cần nhớ khi trừng phạt trẻ đó là “trừng phạt – tha thứ – lãng quên”. Một đứa trẻ liên tục bị trừng phạt vì những lỗi lầm trong quá khứ sẽ không thể trở thành một con người mạnh mẽ và cũng sẽ không học được cách rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của mình. Do đó nếu phát hiện thấy một lỗi lầm mà trẻ đã làm trong quá khứ, bạn chỉ nên giải thích để trẻ hiểu được mình đã sai ở đâu chứ không nên trừng phạt trẻ.

Trên đây là cách phạt con mà không ảnh hưởng lòng tự trọng của trẻ mà trung tâm Gia Sư Thành Công muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết này, các bạn đã biết cách phạt bé như thế nào để có thể giữ cho tâm lý của bé luôn thoải mái, dễ chịu và không bị ảnh hưởng quá nhiều.